Technical advice

Rules to follow to avoid electric shock

Điện là mối hiểm họa thường trực ở nhiều nơi làm việc và những người làm việc trên hoặc gần các thiết bị điện hầu như đều có nguy cơ bị điện giật, bị bỏng thậm chí bị tử vong.
Nếu bạn làm việc trên hoặc gần các thiết bị điện, hãy nhớ “Đừng bao giờ làm việc khi thiết bị đang mang điện”. Đây là quy tắc quan trọng nhất đối với các thợ điện, những người có nguy cơ cao về các tổn thương do điện, theo WorkCover (cơ quan chức năng chịu trách nhiệm về sức khỏe và an toàn tại nơi làm việc) tại New South Wales – NSW, Úc.
Eris McCarthy có 30 năm kinh nghiệm trong ngành điện và là giám đốc quản lý của Công ty ENN Electricians (Canada) nói rõ “Đừng bao giờ làm việc khi thiết bị đang mang điện” là quy tắc cơ bản phải tuân thủ.
McCarthy cho biết: “Hiểm họa lớn nhất trong công việc của chúng tôi là ngã từ trên cao xuống, điện giật và phóng điện hồ quang. Nhiều năm trước, một đồng nghiệp chịu áp lực của khách hàng yêu cầu lắp aptomat khi bảng điện vẫn mang điện. Trong khi lắp aptomat, anh đã trượt tay và gây ra ngắn mạch, dẫn đến sự cố phóng điện hồ quang khiến mặt và hai tay bị bỏng nặng. Sự cố khiến thợ điện đó phải nghỉ việc trong thời gian dài – và khách hàng bị mất điện rất lâu, trong khi lẽ ra chỉ mất 15 phút để cách ly mạch điện và hoàn tất công việc”.
McCarthy cho biết quy tắc thứ hai để bảo toàn sinh mạng là “Kiểm tra trước khi bạn chạm vào”.
Ông nói thêm: “Bạn có thể cắt điện những phần mà bạn tin chắc đó sẽ là mạch điện khi bạn sắp sửa làm việc. Bạn cần kiểm tra trước khi chạm vào thiết bị điện vì khá nhiều thiết bị được dán nhãn không đúng”.
Năm 2014, McCarthy đã chứng kiến một người bị tai nạn khi làm việc trên bảng điện. Sau khi cách ly mạch điện, anh ta kéo cáp ra vì tin rằng đã an toàn, nhưng hóa ra cáp điện bị gắn sai nhãn và vẫn đang mang điện. Cáp điện lắp không đúng đầu nối, và điều này vẫn có thể xảy ra.
Theo McCarthy, tai nạn lao động không chừa một ai và đặt gánh nặng lớn lên người lao động và giám sát viên. Họ không ngừng tự hỏi  tai nạn đã xảy ra ra sao và có thể làm gì để ngăn cản điều đó.
Tony Robinson, Giám đốc các dịch vụ chuyên gia của WorkCover, cho rằng điều quan trọng nhất bạn có thể làm là đừng bao giờ làm việc trên các vật đang mang điện.
Ông Robinson nói: “Bắt đầu với quy tắc vàng đó và sau đó cân nhắc kiểm tra để thấy rằng bạn đã thực hiện các yêu cầu cơ bản khác”.
Dưới đây là những khuyến cáo giúp  đảm bảo an toàn khi làm việc với điện :
– Đừng bao giờ làm việc trên các vật đang mang điện,
– Nhận biết tất cả các nguồn điện trước khi bắt đầu,
– Đánh giá các rủi ro,
– Cách ly nguồn điện,
– Khóa cầu dao,
– Kiểm tra trước khi chạm vào,
–  Thẩm định lại nếu có bất kỳ thay đổi nào.
Để biết thêm thông tin chi tiết, hãy xem các lời khuyên về điện trong bài viết an toàn về điện hoặc truy cập trang: www.workcover.nsw.gov.au.
Biên dịch: Nguyễn Thị Thu
Theo “Electrical solutions”, tháng 9/2015